Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Đại Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót 2014


Vào lúc 10g00 sáng ngày 27 tháng 04 năm 2014, tại quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican, một niềm vui chung hiếm có trong lịch sử Giáo Hội khi cả hai Đức Giáo Hoàng John XXIII  và John Paul II được phong Thánh cùng một lúc.


 

Và 16g30 cùng ngày, tại Gx.Thánh Cẩm – thuộc Giáo hạt Thủ Thiêm, đã diễn ra “Đại Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót”. Điều đặc biệt ở đây là Thánh lễ đã được cử hành long trọng, sốt sắng diễn ra cùng ngày với Thánh lễ phong Thánh cho hai vị Đức Giáo Hoàng - “Hai vị Thánh của Lòng Chúa Thương Xót”.


Thánh lễ có sự tham dự đông đảo của giáo dân trong xứ cũng như ngoài xứ quy tụ về và hơn nữa là sự hiện diện của gần 50 người trong nhóm “Lòng Chúa thương xót” của Giáo xứ.

Nhóm người cầu nguyện với “Lòng Chúa thương xót” - những người đã luôn sống đời sống cầu nguyện, luôn biết tín thác vào Chúa từng giờ từng phút trong đời sống của họ. Chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhóm cầu nguyện vào lúc 15g00 chiều hàng ngày, dù chỉ hoạt động một cách âm thầm nhưng những lời cầu nguyện của họ đã phần nào gắn kết đời sống đức tin của Giáo hội và Giáo xứ với Chúa Giêsu Kitô qua từng lời kinh, lời hiệp ý cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh được dâng lên với hết lòng sốt mến của họ. Những con người cầu nguyện không ngừng nghỉ, để mang lại sự bình an cho chính bản thân mình và cho nhiều người khác nữa. Quả thật những việc làm ấy là một nghĩa cử đẹp lòng Chúa nhất trong lòng Giáo Hội hôm nay.


Mở đầu Thánh lễ là nghi thức “Rước Kiệu Lòng Chúa Thương Xót” xung quanh khuôn viên Giáo xứ. Các hội đoàn và cộng đoàn dân Chúa đã cùng nhau xếp thành hai hàng dọc thẳng tắp. Đoàn người đi trong nghiêm trang, họ đã thật sự có những giây phút được hòa mình vào từng khúc nhạc cảm tạ về tình yêu Chúa vang lên qua sự hỗ trợ của dàn nhạc cụ, họ như cảm nhận thêm phần nào về ý nghĩa của “Lòng Chúa thương xót”.


 

Kiệu Lòng Chúa Thương Xót


Cha chủ tế xông hương kiệu


    

                        

                        

                        
                      
                        

                        

Đoàn rước kiệu


     

                                                Bài đọc thứ nhất                       Bài đọc thứ hai
                                                      

Bài tin mừng và bài giảng của Cha chủ tế


Qua câu chuyện về cuộc gặp gỡ của Sơ FaustinaChúa Giêsu, bài giảng của Cha chủ tế Gioakim đã giúp cho cộng đoàn biết thêm về nguồn gốc và ý nghĩa của bức ảnh Lòng Chúa thương xót, điểm nhấn trong bài giảng của ngài là:“Ánh sáng và máu của Lòng Chúa thương xót chính là nguồn hy vọng – nguồn ơn cứu rỗi cho những ai sầu khổ, thất vọng, lầm lỗi. Ngài cũng không quên kêu gọi cộng đoàn dân Chúa “Hãy sống một đời sống cầu nguyện liên lỉ, vì dù đức tin có mạnh mẽ đến thế nào thì cũng cần có sự cầu nguyện sau đó”.

 


Lời cầu nguyện của nhóm Lòng Chúa thương xót



Tiến dâng lễ vật lên tòa Chúa




Nhóm "Lòng Chúa thương xót" được rước lễ hai hình


Lời ca tiếng hát của hai ca đoàn Gia trưởng và Con Đức Mẹ 
đã giúp cho Thánh lễ có thêm bầu khí tâm tình

Kết thúc Thánh lễ, niềm hân hoan vẫn còn đó và một niềm tin vào Chúa đã được ghi sâu vào lòng mỗi người giáo dân như một dấu ấn mới. Chúng ta hết lòng tạ ơn Chúa về những ơn lành mà Ngài dành cho chúng ta hôm nay. Ngài khao khát được yêu, xin cho mỗi người trong chúng ta luôn biết say mến Lòng Chúa thương xót, tín thác vào Chúa luôn mãi.



Hình ảnh của nhóm "Lòng Chúa thương xót"

 

Lạy Thánh Faustina xin cho chúng con được say yêu Chúa mỗi ngày, tin vào sự cứu độ có thật và nhất là để khi mắt chúng con hướng nhìn lên bức ảnh Lòng Chúa thương xót thì chúng sẽ mạnh dạn tuyên xưng rằng: “Lạy Chúa, con tín thác vào Chúa ngay hôm nay và mãi mãi. Amen!”




Tr.TNCH

Mọi thắc mắc và đóng góp ý kiến xin gửi qua địa chỉ : tnttgxthanhcam@gmail.com

Thơ - "Sâu thẳm hồn con"




Hoàng hôn xuống đây rồi
Nhìn xác hoa chiều tím
Bay lang lảng khắp sân
Con chạnh lòng suy nghĩ:
Kiếp con người mong manh
Như  hoa tươi nở sang
Tím rực khắp sân vườn
Kiêu sa và óng ả
Nhưng khi chiều vừa buông
Thân hoa lìa khỏi nhụy
Con ngắm hoa suy ngẫm:
Con thân phận bọt bèo
Sống nay chết giờ nào?

Bốn mươi ngày chay thánh
Con dành Chúa mấy giờ?
Mênh mông như cuộc đời
Huyền nhiệm như cuộc đời
Sau cùng cũng lặng im
 Con hơn hoa ở chỗ
Hoa vừa rụng lìa cành
Xác hoa bay tứ phía
Bị người đời dẫm đạp
Phần con khi nằm xuống
Được có chiếc áo quan
Gói trọn tấm thân tàn
Đưa con vào lòng đất
Hoặc hỏa thiêu cháy rụi
Con trở về tro bụi
Hồn con sẽ về đâu?

Mẹ ơi con xin Mẹ:
Cho con biết theo Mẹ
Luôn thưa lời Xin Vâng
Dù đời đầy gai nhọn
Con rẽ gai bước tới
Xin cho con luôn biết
Học nghe ngôn ngữ Chúa
Để con không lầm tưởng
Chúa không nói với con

Mẹ ơi con xin Mẹ
Dẫn con bước theo Người
Con thực tình thống hối
Tội lỗi con ngút ngàn
Con xin Chúa từ nhân
Sẽ ôm con tha thứ.



Sưu tầm

Thơ - "Nếm thử mà xem"




Nếm thử mà xem, Chúa ngọt ngào!
Ta hằng hữu hương vị thánh tỏa
Mọi sự đất trời có sẵn đây
Uy quyền thổ lộ tình Ngài thương

Nếm thử mà xem, Chúa ngọt ngào!
Đậm thấm đường Tình yêu sự sống
Đường tín thác, cậy trông, hy vọng
Đường sự thật, bình an, hạnh phúc

Nếm thử mà xem, Chúa ngọt ngào!
Dẫn co đó chát đắng chua cay
Một đời nồng thắm say tình siêu
Hương tinh ròng hồn ơi mê mải

Nếm thử mà xem, Chúa ngọt ngào!
Đắm say, say đắm lại đắm say
Đường thương khó nhục hình Thầy đi
Đẹp ý Cha, vinh hiển Ngài chờ

Sưu tầm

Thơ - "Bên Thánh Thể"






                                                                         







Con thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Trước mặt con và trên khắp địa cầu
Suốt ngày dài và suốt cả đêm thâu,
Đang khai mở mạch thánh ân sâu rộng.
Bánh sống động và bánh ban sự sống,
Nuôi dưỡng đời và nuôi dưỡng hồn con.
Hồn mỏi mòn, thổn thức, héo hon,
Như nai khát chạy tìm nguồn suối.
Ôi Giêsu, con vô cùng yếu đuối,
Xin vực con lên và thêm sức, đỡ nâng.
Xin giữ bền niềm háo hức hiến dâng,
Háo hức sống, mến yêu và phục vụ.
Đã bao lần linh hồn con rước Chúa
Như tiếp thu một vật vô hồn.
Ôi Giêsu, Chúa cả càn khôn,
Hãy thức dậy cho con niềm tin, cậy, mến.
Ôi Giêsu, mau nào, hãy đến,
Cho lòng con no thoả Chúa ơi!
Ôi Giêsu, hy vọng muôn đời,
Ôi Giêsu, tình yêu và lẽ sống.



Sưu tầm


Thơ - "Biển Thương Xót"






Nếu có lần tâm tư nặng trĩu,
Chẳng biết tìm bám víu vào đâu,
Thì này đây Chúa ngự ở nhà chầu
Đang mở rộng cõi lòng Thương Xót.
Máu nước tự tim Ngài trào vọt,
Thứ tha, thanh luyện, nuôi sống, ủi an.


Hãy đến, vì Ngài đã hứa ban
Sự an nghỉ thay sầu thương vác nặng.
Nếu có lần tâm tư cay đắng
Vì người nhà hư hỏng xấu xa

Hãy đến và cầu khẩn thiết tha:
“Lạy Chúa Giêsu, con tín thác!”
Hãy phó dâng họ, cả hồn lẫn xác,
Cho lòng Thương Xót Chúa vô cùng.
Trong Trái Tim Ngài rất mực khoan dung
Các tội nhân lại được dành chỗ nhất.
Nếu có lần bạn sầu bi u uất
Thấy tội đời tràn ngập dương gian


Hãy đến với Ngài, chia sẻ, ủi an,
Dâng mật ngọt thay cho niềm đắng đót.
Hãy nguyện làm sứ đồ của Lòng Thương Xót

Bằng chứng từ, bằng cách sống với nguyện cầu.
Trong nhà, ngoài ngõ, bất cứ nơi đâu,
Đều làm chứng cho lòng Thương Xót Chúa.
Biển Thương Xót trào dâng ngập ngụa,
Nhảy vào đi và ôm thế giới vào theo!




Sưu tầm

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

Giáo xứ Thánh Cẩm - Nét Đẹp Vùng Ngoại Thành (Trích từ bài viết của Maria Vũ Loan)


GIÁO XỨ THÁNH CẨM
NÉT ĐẸP VÙNG NGOẠI THÀNH


Xin chân thành cảm ơn bài viết của Maria Vũ Loan, 
vì đã mang hình ảnh của Gx.Thánh Cẩm đến gần với dân Chúa hơn !




Khoảng tám năm về trước, chúng tôi đến thăm nhà thờ Thánh Cẩm, thuộc hạt Thủ Thiêm, trên địa bàn phường Long Thạnh Mỹ - Quận 9 vào dịp hội trại TNTT. Nay trở lại, tôi thấy quang cảnh khác lạ mà vị coi sóc cộng đoàn giáo xứ cũng là một người khác.

Nhà thờ vẫn còn đó. Bên trái là trường bắn Long Bình – một pháp trường có nhiều tử tù nổi tiếng.

Đối diện là sân gold giáp với khu Công Nghệ Cao. Đằng sau nhà thờ vẫn là con rạch Gò Công, chảy vào sông Tắc, đi ra sông Đồng Nai. Đường từ ngã tư Thủ Đức vào đây không còn heo hút mà có phần tấp nập hơn. Chúng tôi vui vì Cha chánh xứ Gioakim Nguyễn Văn San là người quen nên câu chuyện bắt đầu rôm rả trong tiếng cười :

   - Chúng con kính chào Cha! Chúa ơi, Cha về xứ này bao lâu rồi? Ở đây Cha vui không ? Xem ra vùng này không còn quê mùa, hoang vắng nữa phải không ạ?

   Oh, từ từ nhé! Ngồi uống nước nghen! Trước đây nơi này là một khu vùng ngoại thành mất an ninh. Đến năm 1995 mới có điện ( nếu so sánh thì vùng Trị An có từ năm 1982) và không có nguồn lợi kinh tế, giáo dân chỉ có làm nông trên diện tích nhỏ, chài lưới trên sông và vào rừng cao su kiếm củi. Tuy vậy, trước đây cũng có cơ sở Dòng Đaminh và Phước Sơn hiện diện nhưng nay do vấn đề “tế nhị” nên không còn nữa. Theo dòng thời gian, nơi đây được đô thị hóa dần nên bớt vắng vẻ hơn ngày trước.

   - Có nhiều người mới đông vui Cha! Giáo xứ này có nhiều giáo dân không ạ ? Họ sinh sống thế nào cơ ?

   Hiện nay, giáo xứ chỉ có 1.400 giáo dân. Tính từ sau năm 1975, giáo dân có văn hóa cao hơn nhưng dân Chúa ở đây cũng đủ mọi thành phần: có người làm công chức, làm công nhân. Nông dân được đền bù đất từ khi lập khu Công Nghệ Cao, họ thường xây nhà trọ cho thuê, số khác buôn bán nhỏ, di dân đến đây ngày càng đông. Từ năm 1978, khu vực này không còn toàn tòng Công giáo nữa vì có một trường Cao đẳng nhà nước hoạt động, cán bộ, công chức mua nhà vùng này…

  - Đã bước vào tuổi trung niên mà trông coi xứ vùng ven thế này, Cha có thấy vất vả không ?

  Vẫn sống rất khỏe với Chúa(cười). Trên địa bàn có chu vi là 12km, giáo xứ chỉ có hai giáo khu, cách nhau đến 5km. Từ điểm đặc biệt này mà giáo xứ không có ban thường vụ HĐMV (trước đây cũng có nhưng sắp xếp như vậy xem ra không hiệu quả) mà vai trò của Ban điều hành khu ( gồm: một trưởng khu, hai phó nội – ngoại vụ, thư ký, thủ quỹ) được phát huy tác dụng cụ thể. Họ làm việc rất nhịp nhàng: mỗi khu trực nhà thờ một tuần với các công việc như kéo chuông, xướng kinh cùng với bảo vệ trông coi nhà thờ ngày và đêm, mỗi chiều Thứ Bảy giáo khu này lại giao ban cho giáo xứ kia. Ở đây thực hiện “chế độ liên bang” mà!. 
 
   - Lần trước chúng con ghé thăm thì gặp Thiếu Nhi Thánh Thể cắm trại, bây giờ có đoàn nào đến đây không ạ?

  Giáo xứ vẫn còn là điểm hẹn của các sa mạc Huynh trưởng TNTT, các khóa huấn luyện hằng năm vẫn được tổ chức tại đây. Légio Mariae đến tĩnh tâm. Dòng Nữ Tu Bác Ái đưa sinh viên – học sinh của một số giáo xứ mà các Soeur coi sóc về đây huấn luyện. Giới trẻ Con Đức Mẹ toàn quốc đến đây đại hội. Đặc biệt là Gia Đình PTTT của toàn hạt Thủ Thiêm coi đây là nơi hội họp thuận tiện


MỘT GIÁO XỨ ĐẠO ĐỨC, TỐT LÀNH

    Giáo xứ Thánh Cẩm chỉ có bốn đoàn thể chính thức là : Gia Đình PTTT, Bà Mẹ Công Giáo, TNTT, Huynh Đoàn Đaminh. Có hai đoàn thể không chính thức trong giáo phận nhưng được Đức Cha Nicola Nghi (GP.Phan Thiết) trước đây cho phép hoạt động là Chi Hội Têrêsa và Đồng Hành Con Đức Mẹ (quy tụ các thanh niên nam nữ, huấn luyện về các nhân đức của Đức Mẹ). Hai đoàn thể này được Cha xứ nâng đỡ cũng là cánh tay đắc lực của Cha trong công việc.

Từ giáo xứ đi đến Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận là 23km thế mà những người có trách nhiệm trong các đoàn thể, được chọn đào tạo nội dung nào đó, vẫn không quản ngại, tham dự đầy đủ.

Giáo xứ thường rước kiệu kính Đức Mẹ vào tháng 8 dịp bổn mạng và tháng 10 Mân Côi. Đặc biệt còn rước kiệu đến từng gia đình đọc kinh, cứ ba gia đình được đọc lần lượt trong một tối, cứ một tháng thăm hết 800 hộ, làm cho lòng đạo thêm sốt sắng. Đoàn thể nào cũng họp mỗi tháng một lần, có sự hiện diện của Cha xứ. Hằng ngày, dù mưa hay nắng cứ 19 giờ đều có tiếng chuông mời gọi đọc kinh chung tại tòa Đức Mẹ, mùa nắng thì đông hơn.

Ngoài sinh hoạt mục vụ và đạo đức trên, giáo xứ còn có hai việc làm rất đáng chú ý : Chương trình phát thưởng khuyến học với chủ đề “Xuân Hiếu Thảo” có từ chín năm qua do Gia Đình PTTT kết hợp với giáo xứ tổ chức nhằm chăm sóc và khích lệ tinh thần cho các em học sinh trong giáo xứ từ cấp Tiểu học đến Đại học, có thành tích chăm ngoan, học giỏi. Việc tiếp sức mùa thi tuy chỉ bắt đầu từ hai năm qua nhưng cũng mag nhiều lợi ích cho các sĩ tử thi vào các trường Đại học vùng Thủ Đức. Việc bác ái dịp lễ Tết cũng được thực hiện khi chia sẻ cho các gia đình nghèo và người già cả.

Trước sinh hoạt sinh động của giáo xứ, Cha chánh xứ Gioakim bộc lộ : “Tôi cảm thấy hạnh phúc với đoàn chiên của mình khi mang tâm tình yêu thương mà Chúa trao phó “Hãy chăm sóc đoàn chiên của Thầy”, bên cạnh đó, giáo dân nhiệt tình, kính trọng mục tử, tinh thần phục vụ cao khi làm việc trong nhà thờ. Chỉ cần tôi tế nhị trong việc dùng người, chú ý đến thao thức của giáo dân nhiệt thành và người an hem chưa sốt sắng hòa đờng, thì chẳng còn khó khăn gì nữa! Tôi cũng noi gương Thánh Cẩm: “Vì lợi ích của giáo dân Cha phải ẩn trốn hết nơi này đến nơi khác. Nhưng mỗi khi trách nhiệm mục vụ đòi hỏi Cha luôn sẵn sang đi đến bất cứ nơi đâu, dù có nguy cơ bị bắt bớ”

Vài hàng lược sử

    Khoảng tháng 10.1955, Cha Giuse Phạm Quang Tự -  GP.Bắc Ninh, đã đưa một số gia đình từ Bắc vào Nam mua 13 ha đất ( 1 ha để làm nhà thờ, 2 ha để làm ruộng “Đức Bà”, 10 ha chia cho giáo dân làm nhà). Ban đầu, nhà nguyện làm bằng vách cây mái lá, là nơi sinh hoạt tôn giáo của 1.200 giáo dân. Năm 1960 thay mái tôn, xây tường gạch, sau đó liên tục được trùng tu vào những năm 1962, 1977, 1984.

   Các Cha từng phụ trách họ đạo :

      -   Cha Giuse Phạm Quang Tự ( 1955 – 1979).

Trong thời gian Cha sở đau (1976 – 1979), có các Cha trợ giúp mục vụ: các Cha Dòng Phước Sơn (1976), Cha Gioakim Nguyễn Đăng Chí (1977), Cha Phaolô Đỗ Quang Chí (1978).

-         Cha Phaolô Trần Văn Quang CScR (1979 – 1999).
-         Cha Gioan M.Vianey Chu Minh Tân (1999 – 2009).
-         Cha Gioakim Nguyễn Văn San (từ năm 2009).

Lời kết

Chúng tôi ra về, lòng thầm khâm phục những vị linh mục đã không quản ngại đến những nơi heo hút mà gầy dựng nên những cộng đoàn Dân Chúa tốt lành, hiền hòa.


(Trích từ bài viết của Maria Vũ Loan)


Tr.TNCH
Mọi thắc mắc và đóng góp ý kiến xin gửi qua địa chỉ email : tnttgxthanhcam@gmail.com



Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

Chuyến Đi Thủ Thiêm Cắt Lá Dừa


Trích từ bài viết của Maria Vũ Loan

Xin chân thành cảm ơn bài viết của Maria Vũ Loan, 
vì đã mang hình ảnh của Gx.Thánh Cẩm đến gần với dân Chúa hơn !


SÀI GÒN - Hằng năm, cứ vào ngày lễ lá, việc chuẩn bị lá dừa để cử hành lễ lá - kỷ niệm Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem - thêm long trọng, là công việc bận rộn đáng chú ý trong giáo xứ. 

Đã từ lâu, chúng tôi ao ước được tìm hiểu việc đi lấy lá dừa phục vụ cho ngày lễ đặc biệt này; ngày thứ tư 09/4/2014, chúng tôi mới có dịp đi thực tế cùng với giáo dân Sài Gòn đi lấy lá dừa, cung cấp cho một giáo xứ, một tu viện và một cộng đoàn tu hội.

Chúng tôi được đi cùng cha chánh xứ và một số vị trong Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ Thánh Cẩm, hạt Thủ Thiêm, Sài Gòn. Từ 8 giờ 00 sáng, chúng tôi đã có mặt ở phường Long Thạnh Mỹ, quận 9 để chuẩn bị xuống ghe. Trong suy nghĩ của chúng tôi, là lát nữa đây, sẽ được ngồi trên chiếc ghe chở đầy lá, đi dọc con sông một cách thơ mộng; nhưng không, mọi việc diễn ra có phần khác với suy nghĩ riêng này.


Xuống bến đò cách nhà thờ 300 mét – một bến đò đã có từ lâu, nơi có nhiều người bị quân Pháp giết hại ngày xưa - bước lên chiếc ghe to vừa đủ cho công việc, chúng tôi đi dọc rạch Gò Công một đoạn. Trên con rạch cũng có những ghe khác chở sinh viên qua bên kia bờ cắm trại. Ghe dừng ở đoạn sông Tắc sau khi đi khoảng 2 km. Nước ở gần bến đò thì đen ngòm nhưng ra giữa dòng thì trong xanh. Khi ghe ghé sát vào khu dừa nước mọc bên sông, công việc lấy lá dừa mới bắt đầu. Các ông trùm tìm cách len vào bên trong, dùng dao cắt những đọt dừa, tức là một cành dừa lá còn nằm trong cành, chưa tẽ ra như cái lược, mang ra xếp trong lòng ghe. Cứ cắt hết chỗ này lại di chuyển sang chỗ khác mà cắt, có khi phải lội xuống nước. Các ông còn cắt được hai buồng (quả) dừa nước to tròn bằng hai cái rổ úp vào, trông cũng hay hay. Những đọt dừa xanh mướt này sẽ được quí bà trong giáo xứ tách ra, lấy những lá dừa non có màu vàng nhạt.


                      


Mấy năm trước, có hai ông trùm cứ lặng lẽ mang hai con dao đi, tự chặt dừa rồi đem về. Lần này, ngoài cha xứ, hai chúng tôi, bốn ông trùm và hai giáo lý viên, còn có một cô tên là Tám, năm nào cũng “tước” lá dừa và “đan” (trang trí) cây dừa chính để cha xứ cầm đi rước. Cô sốt sắng tình nguyện với tất cả tấm lòng. Nhìn cô Tám tách đọt, trang trí một cây dừa hoàn chỉnh, chúng tôi thấy quí mến, thương thương làm sao! Hỏi ra mới biết, công việc này cũng phải được một người “dạy” cho, mới làm thuần thục và đẹp. Có tận mắt chứng kiến quí ông chui vào giữa rừng dừa nước cắt đọt và cô Tám tách thử một đọt trên ghe, chúng tôi mới thấy thú vị làm sao! Thì ra, những lá dừa vàng nhạt, tươi và đẹp được phát cho giáo dân trong nhà thờ, cũng mất nhiều công sức. Đoàn rước tại các nhà thờ diễn lại hình ảnh Chúa Giêsu vào thành được linh động cũng nhờ những chiếc lá (lá dừa ở miền Nam, lá cọ ở miền Bắc), ẩn trong đó là công sức đáng quí của những người tình nguyện.


                       
                   
                      
 
                     

 Công dụng của cây dừa nước này là lá non để gói bánh nếp chuối; lá già phơi khô để lợp nhà, cọng của lá để làm chổi xương (chổi giễ). Nếu dừa nước mọc hoang thì cứ tự nhiên mà cắt, còn nếu mọc trên vùng đất của ai thì phải có một lời xin với chủ nhà. Mỗi cây dừa chỉ có một đọt chính, nếu lấy đọt này cây chậm phát triển.

Sau khi xong công việc, thấy trên ghe có “khách mời” của cha xứ, chủ ghe – chính là anh giáo lý viên trẻ - cho ghe đi ra sông Cái, rồi bọc ra sông Đồng Nai một quãng khá xa để tham quan vui mắt rồi quay trở về. Chủ ghe hướng dẫn rất vui vẻ như đi du lịch vậy! Khi ghe đi một vòng tham quan, chúng tôi đi ngang qua vườn cò của ông Thư Đê. Cứ 5, 6 giờ chiều là cò về đậu trắng cả vườn nhà ông, làm cho nơi đây trở thành khu du lịch. Dọc bờ sông còn có những cây chuối nước. Đây là một loại cây để giữ đất bờ ở dưới nước (trên đất gò thì có cây lồ ô giữ be bờ đất); lá chuối nước và sóng gân lá để gói bánh téc. Theo lời anh chủ ghe giáo lý viên thì ngày trước, Đức Tổng Phaolô Bình cũng hay xuống vùng này, vào nhà ông Mười Thôi, nghỉ ngơi, ngắm sông nước một ngày rồi về. Ông Mười Thôi chính là ông ngoại của anh lái ghe này. 


                       

Để cho bớt nắng mấy ông trùm còn nối một hai lá dừa trên thành ghe làm cho chúng tôi thấy lòng ghe dịu hẳn. Khi trở về bến đò, những đọt dừa dưới ghe được chuyển lên bờ, sau đó có xe đưa về nhà thờ. 

Khoảng 45 đọt dừa được cắt hôm nay sẽ cung cấp 2.500 lá cho giáo xứ thánh Cẩm, một cộng đoàn tu hội và một tu viện; còn giáo xứ thánh Gẫm sẽ cắt sau, cũng trong vùng này. Cha, quí ông trùm và chúng tôi rời ghe, đến một quán gần nhà thờ mà dùng cơm trưa. Tất cả sự thân tình được cởi mở trong bữa cơm thân mật: những công việc như đi lấy đọt dừa (và những việc phục vụ cho tam nhật vượt qua) hằng năm đã nối kết nhiều thành phần trong giáo xứ, làm cho cộng đoàn dân Chúa quí mến và hiểu nhau trong công việc hơn.

Được biết, hiện nay có nhiều nguồn cung cấp lá dừa trong dịp lễ lá. Nhiều nhà thờ cắt lá ở quận 2 vì gần, còn nếu lấy số lượng lớn thì phải đến vùng Cần Giờ.

Trở về nhà giữa trời trưa nắng gắt qua quãng đường khoảng 15 km nhưng lòng chúng tôi lại thấy mát rượi như màu xanh của những đọt dừa nước, được chọn để phục vụ trong ngày lễ lá.